Monozukuri – Triết lý sản xuất đưa Nhật Bản vươn tầm thế giới

Monozukuri là một trong những triết lý tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp sản xuất xứ Phù Tang, góp phần quan trọng trong việc đưa các sản phẩm “Made in Japan” trở thành bảo chứng cho chất lượng trên toàn cầu. Trong bài viết này, ITG Technology sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn Monozukuri là gì và cách áp dụng triết lý này vào sản xuất.

Monozukuri là gì?

Trong tiếng Nhật, “monozukuri – ものずくり” là một từ ghép, kết hợp giữa “mono” (vật, sản phẩm) và “zukuri” (quá trình tạo ra). Tuy nhiên, Monozukuri không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mà còn mang hàm ý thể hiện kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, niềm say mê và tự hào của người thợ khi tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Monozukuri

Monozukuri là một triết lý sản xuất nổi tiếng của người Nhật

Đối với Monozukuri, những hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức không được chấp nhận. Người lao động cần dốc hết tâm trí vào công việc, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất, đồng thời, liên tục sáng tạo và cải tiến không ngừng nhằm đạt đến sự hoàn hảo và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Giáo sư Takahiro Fujimoto từ Đại học Tokyo đã mô tả Monozukuri là “nghệ thuật, khoa học và kỹ năng”. Theo ông, Monozukuri không phải là sự lặp lại vô tâm mà đòi hỏi óc sáng tạo, cần phải thông qua thực hành lâu dài, từng bước cải tiến để vươn đến những giá trị bền vững.

Nguồn gốc và sự phát triển của triết lý Monozukuri

Cùng với những khái niệm quen thuộc như Kaizen (cải tiến liên tục) hay TQM (Total Quality Management – quản lý chất lượng toàn diện), Monozukuri cũng là “kim chỉ nam” được nhiều doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản áp dụng và thành công. Để có được điều đó, triết lý này đã trải qua quá trình phát triển và hoàn thiện trong nhiều thập kỷ, tinh lọc những giá trị cốt lõi nhất, tạo nền tảng kinh doanh vững chắc cho các doanh nghiệp.

Thực tế, Monozukuri đã tồn tại từ lâu trong văn hóa Nhật Bản, nhưng triết lý này chỉ thực sự được chú ý và phổ biến sau khi chính phủ Nhật Bản thành lập “Monozukuri Kondankai” (Hội đồng tư vấn Monozukuri) vào năm 1998. Động thái này nhằm đối phó với xu hướng phi công nghiệp hóa và tái khẳng định vị thế của Nhật Bản như một cường quốc sản xuất sau giai đoạn suy thoái kinh tế những năm 1990.

Trước đó, vào năm 1908, Henry Ford đã giới thiệu dây chuyền lắp ráp sản xuất hàng loạt, mở đầu cho cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô. Tiếp nối, năm 1910, Frank Gilbreth nghiên cứu các động tác trong sản xuất, góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc. Những tiến bộ này đã đặt nền móng cho sự phát triển của Monozukuri, khi Nhật Bản tiếp thu và cải tiến để phù hợp với văn hóa và triết lý riêng của mình. 

3 Trụ cột chính của Monozukuri

Triết lý Monozukuri được hình thành từ 3 yếu tố chính:

Monozukuri

3 Yếu tố chính hình thành nên nguyên tắc Monozukuri

Trụ cột 1 – Sản xuất chuyên nghiệp, quy trình hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng

Các công cụ như 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) hay kiểm soát QCD (Quality – Chất lượng, Cost – Chi phí, Delivery – Tiến độ giao hàng) được áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng chảy sản xuất, giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra và an toàn lao động cho nhân viên.

Trụ cột 2 – Xây dựng tinh thần sản xuất sáng tạo, liên tục phát triển tích cực

Để thúc đẩy tinh thần sản xuất sáng tạo, liên tục phát triển của Monozukuri, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đã áp dụng triết lý Kaizen – cải tiến liên tục. 

Thay vì những thay đổi đột phá, Kaizen tập trung vào những bước tiến nhỏ và liên tục để tạo nên thành quả bền vững. Nhờ đó, sản phẩm và quy trình ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, các cá nhân trong doanh nghiệp cũng được khuyến khích phát triển kỹ năng và đóng góp ý tưởng cho tập thể, tạo nên một môi trường làm việc luôn đổi mới, sáng tạo.

Trụ cột 3 – Đề cao kỹ năng làm việc của con người

Điểm khác biệt cốt lõi của Monozukuri so với các triết lý phương Tây chính là sự đề cao kỹ năng và vai trò của con người. Trong môi trường Monozukuri, người lao động không chỉ cần có tư duy sáng tạo và tay nghề khéo léo, mà còn phải liên tục trau dồi bản thân, hướng tới sự hoàn thiện, để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.

Thực tế, tại các công ty Nhật Bản, người lao động luôn được khuyến khích phát triển kỹ năng toàn diện thông qua hệ thống “learning by doing” (học thông qua thực hành). Nhân viên không chỉ được đào tạo về mặt kỹ thuật mà còn được trau dồi về tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và ý thức cải tiến liên tục.

Tải Ebook “Quản lý sản xuất 4.0” để giải quyết ngay 4 bài toán thường gặp trong doanh nghiệp sản xuất
- Công nghệ để giải quyết 04 bài toán thường gặp: Lập kế hoạch sản xuất, - -- Quản lý chất lượng, Truy xuất nguồn gốc, Kiểm soát hoạt động sản xuất thời gian thực
- Nguyên nhân và cách khắc phục các vấn đề lãng phí sản xuất “nổi cộm”
- Hướng dẫn từng bước phương thức áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất chuẩn quốc tế

Ứng dụng của Monozukuri trong các doanh nghiệp Nhật Bản

Toyota – Biểu tượng của Monozukuri

Khi nhắc đến hệ thống sản xuất Toyota, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến triết lý sản xuất “Just in time” hay phương pháp quản lý “Kanban”, những chiến lược nổi tiếng đã tạo nên thương hiệu cho tập đoàn. Ít ai biết rằng, Monozukuri cũng là một “công thức” được gã khổng lồ ngành ô tô Nhật Bản áp dụng vào quy trình vận hành và mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Monozukuri

Toyota luôn chú trọng đào tạo kỹ năng và đề cao tay nghề của người lao động

Tại Toyota, Monozukuri không chỉ là hoạt động sản xuất mà còn gắn liền với việc đào tạo con người. Mọi công nhân tại tập đoàn đều được trao quyền và đào tạo kỹ lưỡng để có thể xử lý các tình huống khác nhau, từ đó nâng cao tinh thần chủ động trong công việc. 

Bên cạnh đó, công ty cũng đề cao sự tự hào về tay nghề của người lao động. Có một câu nói quen thuộc thường được sử dụng tại Toyota là: “monozukuri wa hitozukuri – ものずくりは人ずくり”, nghĩa là “tạo ra sản phẩm là tạo ra con người” hay “phát triển con người và sau đó xây dựng sản phẩm” vì tại đây, tất cả mọi người đều thấm nhuần niềm tự hào và đam mê với công việc của mình.

Mặt khác, lãnh đạo Toyota cũng hiểu rằng, tất cả mọi sáng kiến ​​tinh gọn (Lean) sẽ không thể vận hành tốt nếu không có sự tham gia đầy đủ của nhân viên. Chính vì vậy, Toyota luôn thúc đẩy môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo và nỗ lực; đồng thời nghiêm túc thực hiện các cam kết phát triển con người.

Xem thêm: Lean Manufacturing (sản xuất tinh gọn) là gì? Ứng dụng trong hệ thống sản xuất

Nissan – Hành trình tái sinh từ tinh thần Monozukuri

Nissan đã chứng minh sức mạnh phi thường của triết lý Monozukuri trong quá trình hồi sinh ngoạn mục của mình. Vào cuối những năm 1990, khi đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, chính tinh thần Monozukuri đã trở thành điểm tựa giúp Nissan vượt qua giai đoạn khó khăn.

Monozukuri

Nissan kết hợp công nghệ robot tiên tiến và kỹ thuật trình độ cao của người lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất ô tô

Trong quan điểm của Nissan, để có một sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý cần đạt được 3 yếu tố: Kỹ năng, kiến thức và bí quyết sản xuất. Phát huy tối đa tiềm lực cá nhân của nhân viên; tối ưu hóa quy trình sản xuất; khuyến khích cải tiến chính là 3 mục tiêu mà Nissan hướng tới nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Dây chuyền sản xuất của Nissan tại nhà máy Tochigi được xem là hiện thân của triết lý Monozukuri hiện đại. Tại đây, công nghệ robot tiên tiến được kết hợp hài hòa với kỹ năng thủ công tinh xảo của con người. Mỗi chiếc GT-R – siêu xe biểu tượng của Nissan – được lắp ráp bởi những “Takumi” (bậc thầy thợ thủ công) với hơn 20 năm kinh nghiệm. Các động cơ VR38 dành cho GT-R được chế tạo trong “phòng sạch” đặc biệt, nơi mỗi động cơ đều có chữ ký của người thợ lắp ráp – minh chứng cho tinh thần trách nhiệm cá nhân cao độ trong triết lý Monozukuri.

Canon – Từ máy ảnh đến giải pháp văn phòng tổng thể

Canon là một minh chứng khác thể hiện sức mạnh của Monozukuri trong sản xuất. Bắt đầu từ sản xuất máy ảnh với độ chính xác cao, ngày nay, Canon đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: Sản xuất máy in, thiết bị y tế và các giải pháp công nghệ tiên tiến khác.

Điều đáng chú ý là dù đa dạng hóa sản phẩm, Canon vẫn giữ vững triết lý cốt lõi – tạo ra những sản phẩm hoàn hảo đến từng chi tiết. Đây chính là yếu tố quyết định giúp các sản phẩm của Canon luôn giữ được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Kinh nghiệm cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam khi áp dụng triết lý Monozukuri

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, việc áp dụng nguyên tắc Monozukuri có thể mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai  Monozukuri hiệu quả, doanh nghiệp cần chú trọng một số vấn đề sau:

Monozukuri

Bài học dành cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam khi áp dụng triết lý Monozukuri

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất từ Monozukuri là sự tập trung tuyệt đối vào chất lượng. Doanh nghiệp cần áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng toàn diện, đồng thời xây dựng văn hóa chất lượng từ trong nội bộ, đảm bảo tất cả nhân viên đều có ý thức và trách nhiệm kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất chứ không riêng bộ phận QC.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực

Con người là yếu tố quan trọng nhất trong triết lý Monozukuri. Tuy nhiên, theo ông Takano Fujii, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC), một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là thiếu hụt lao động tay nghề cao và quản lý trung gian. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo, phát triển kỹ năng và tinh thần trách nhiệm của người lao động.

Cải tiến liên tục – Kaizen

Tinh thần cải tiến liên tục (Kaizen) là một phần không thể thiếu của Monozukuri. Doanh nghiệp Việt nên xây dựng cơ chế khuyến khích mọi nhân viên đóng góp ý tưởng cải tiến, dù là nhỏ nhất.

“Thay đổi tốt hơn không bắt đầu từ những bước nhảy vọt lớn, mà từ hàng nghìn bước tiến nhỏ mỗi ngày” – đây là bài học quý giá từ triết lý Monozukuri mà doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng.

Xây dựng mối quan hệ bền vững trong chuỗi cung ứng

Một yếu tố quan trọng khác của Monozukuri là mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với nhà cung cấp. Thay vì chỉ tìm kiếm giá rẻ nhất, doanh nghiệp nên xây dựng quan hệ đối tác với nhà cung cấp, cùng nhau phát triển và cải tiến. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng mà còn tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Monozukuri không chỉ là một phương thức sản xuất, mà còn là biểu tượng cho tinh thần và văn hóa Nhật Bản. Việc thấu hiểu và áp dụng triết lý này có thể giúp các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng