Sản xuất xanh – Xu hướng phát triển bền vững trong kinh doanh hiện đại
Sản xuất xanh đang là xu hướng mới được nhiều doanh nghiệp theo đuổi trước bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy, sản xuất xanh là gì? Tại sao nó lại đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh kinh tế ngày nay?
Sản xuất xanh là gì?
Định nghĩa sản xuất xanh có thể được khai thác theo hai khía cạnh. Thứ nhất là sản xuất sản phẩm xanh (các sản phẩm bền vững, có thể tái chế hoặc có tác động tốt cho môi trường, hạn chế rác thải và chất gây ô nhiễm). Thứ hai là “xanh hóa” sản xuất (bao gồm các chiến lược mà doanh nghiệp áp dụng nhằm đổi mới quy trình và thiết lập các hoạt động sản xuất thân thiện hơn với môi trường).
Cả hai khía cạnh đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (SDG – Sustainable Development Goals) và Net Zero. Và dù được hiểu theo cách nào, việc ứng dụng sản xuất xanh đều mang lại những giá trị bền vững cho môi trường, từ giảm lượng tài nguyên thiên nhiên sử dụng, giảm ô nhiễm, chất thải, giúp tái chế vật liệu cũng như giảm phát thải trong các quy trình sản xuất.
Hiện nay, các hoạt động sản xuất xanh phổ biến nhất bao gồm: Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng phương tiện tiêu thụ ít điện năng và các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường. Đây là một xu hướng tất yếu trong chiến lược tăng trưởng xanh, đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hành tinh.
Đọc thêm: Công nghệ 6.0 là gì?
Lợi ích của sản xuất xanh
Doanh nghiệp khi tập trung hơn vào SDG và bắt đầu chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Chẳng hạn, cắt giảm chi phí xử lý chất thải, tiết kiệm điện/nước/nguyên phụ liệu,…
Ngoài ra, việc ứng dụng mô hình sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp nâng cao danh tiếng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với dòng sản phẩm bền vững, từ đó gia tăng doanh số bán hàng. Thêm vào đó, sản xuất xanh cũng tạo môi trường làm việc an toàn, thúc đẩy tinh thần, năng suất và niềm tự hào của nhân viên với công việc.
Nhìn chung, các hoạt động thúc đẩy sự đổi mới nhằm giảm thiểu dấu chân carbon trên sản phẩm không chỉ mang tới nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Các bước ứng dụng sản xuất xanh cho doanh nghiệp
Quá trình ứng dụng sản xuất xanh của doanh nghiệp đòi hỏi sự chủ động trong việc xây dựng và thực hiện quy trình đánh giá. Các bước triển khai mô hình sản xuất xanh bao gồm: Phân tích – Lập kế hoạch – Thực hiện đánh giá – Báo cáo – Kiểm tra và hành động.
Bước 1: Phân tích các tác động lên môi trường của doanh nghiệp
Tiến hành phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động sản xuất lên môi trường để lên phương pháp cải thiện phù hợp với nguồn lực và định hướng của doanh nghiệp.
Bằng cách liệt kê các nguồn năng lượng đang được sử dụng, các nguồn này đang được sử dụng như thế nào, xem xét các loại vật liệu dùng trong sản xuất,… doanh nghiệp có thể làm rõ được mức độ tác động lên môi trường hiện tại, từ đó lên kế hoạch khắc phục.
Bước 2: Lập kế hoạch
Xác định mục tiêu, nguồn lực là bước quan trọng nhất trong quá trình lập kế hoạch. Đầu tiên, doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu cụ thể, chi tiết dựa trên các phân tích đã được thực hiện ở bước trên, từ đó đặt ra các vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Việc xác định nguồn lực tài chính, vật chất, nhân sự sẽ đảm bảo quá trình thực hiện ở giai đoạn sau diễn ra hiệu quả. Cuối cùng, doanh nghiệp lựa chọn các đầu mục quan trọng cần thực hiện đối với hiệu suất sản xuất xanh, tạo nên một cơ sở chính xác để đánh giá và theo dõi tiến triển theo thời gian.
Xem thêm: Kế hoạch sản xuất là gì? Cách lập kế hoạch sản xuất hiệu quả
Bước 3: Thực hiện đánh giá
Trong bước thực hiện đánh giá, việc quan trọng nhất là đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu. Doanh nghiệp cần theo dõi, đo đạc, phỏng vấn, sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy để đảm bảo tính chính xác. Sau đó, chuyển đổi dữ liệu thu thập thành thông tin mô tả kết quả sản xuất xanh của công ty và so sánh với các mục tiêu đã đặt ra. Điều này giúp nhà quản lý nắm được báo cáo chi tiết về đánh giá hoạt động sản xuất xanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra biện pháp cải tiến hoặc duy trì kết quả sản xuất xanh.
Bước 4: Báo cáo và trao đổi thông tin
Kết quả đánh giá được sử dụng để thông báo tình trạng hiện tại cho nhân viên và khuyến khích họ tham gia vào việc phát triển biện pháp cải thiện. Đồng thời doanh nghiệp cần thiết lập báo cáo để trao đổi thông tin với các bên đối tác, khách hàng, và cộng đồng nhằm tạo sự minh bạch; mở cơ hội hợp tác, đối thoại với các đối tác cũng như cộng đồng liên quan.
Bước 5: Kiểm Tra và Hành Động
Doanh nghiệp muốn đạt được mục tiêu SDG cần đánh giá hoạt động sản xuất xanh định kỳ nhằm xác định cơ hội cải tiến và điều chỉnh chiến lược sản xuất, cải thiện cách quản lý, vận hành của doanh nghiệp, thúc đẩy sự tiến bộ trong sản xuất xanh. Trong bước này doanh nghiệp phải đảm bảo chiến lược và các biện pháp đã đề ra đang phản ánh đúng thực tế đang diễn ra. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng thích ứng với những thách thức, cơ hội mới để nâng cao hiệu suất và duy trì mô hình sản xuất xanh của mình.
Công nghệ 4.0 được áp dụng như thế nào trong sản xuất xanh?
Trước sự bùng nổ của công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều phát minh công nghệ mới đã ra đời và được sử dụng hiệu quả để phục vụ sản xuất, giải quyết các vấn đề môi trường như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây (Cloud computing), Chuỗi khối (Blockchain), Cảm biến thông minh (Smart sensor),…
Chẳng hạn, công nghệ AI có thể được ứng dụng trong các hệ thống tái chế thông minh của doanh nghiệp để phân loại vật liệu thừa/rác thải thông qua hệ thống nhận diện hình ảnh. Hoặc kết hợp AI với Học máy (ML – Machine learning) và hệ thống Big data để dự đoán quá trình phát sinh chất thải, từ đó cung cấp cơ sở dữ liệu giúp doanh nghiệp cải thiện hệ thống quản lý chất thải hiện tại và thiết lập hệ thống quản lý chất thải mới trong tương lai. Doanh nghiệp cũng có thể ứng dụng Robot hiện đại tích hợp với AI để thực hiện phân loại rác thải tự động.
Ngoài ra, các công nghệ kỹ thuật hiện đại cũng có thể được ứng dụng trong quy trình sản xuất để tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu và các nguồn lực trong sản xuất; từ đó tiết kiệm năng lượng, vận hành an toàn, giảm thiểu tối đa tác động lên môi trường.
Sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đáp ứng với xu thế phát triển chung của thế giới và hướng đến một tương lai Net Zero. Hy vọng với những thông tin trên, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn thế nào là sản xuất xanh và có thể tạo dựng mô hình sản xuất phù hợp nhất với quy mô và cách thức hoạt động của mình, từ đó hướng tới những giá trị mang tính bền vững. Để biết thêm thông tin, hãy liên hệ với chuyên gia của chúng tôi qua số hotline: 092.6886.855.