3 xu hướng chính trong chuyển đổi số chuỗi cung ứng và sản xuất thông minh
Internet vạn vật trong công nghiệp (IIoT) và dữ liệu lớn (Big Data) đang hội tụ để hiện thực hóa “chuỗi cung ứng thông minh” định hướng theo nhu cầu (demand-driven smart supply chains). Những tiến bộ trong in 3D hay “Sản xuất bồi đắp” (Additive Manufacturing) và sản xuất thông minh đang góp phần chuyển đổi số chuỗi cung ứng và mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất.
Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng và sản xuất thông minh
Chuyển đổi số chuỗi cung ứng với độ phủ rộng rãi của In 3D
Sản xuất bồi đắp (hay còn gọi là In 3D) được coi là xu thế sẽ góp phần thay đổi cuộc chơi trong nền sản xuất thông minh. Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ và quốc phòng phải đối mặt là bị hạn chế về mặt hình dạng khi cắt, tạo hình hoặc hàn. Trong khi đó, với in 3D, một bộ phận có thể được đúc thành nhiều hình dạng khác nhau. Theo tiêu chuẩn công nghiệp ASTM F279210, sản xuất bồi đắp được định nghĩa là “quá trình kết hợp vật liệu để tạo ra các đối tượng từ dữ liệu mô hình 3D theo từng lớp, trái ngược với công nghệ sản xuất cắt gọt truyền thống”.
Đặc trưng của sản xuất bồi đắp là sử dụng ít vật liệu hơn, hợp kim nhẹ hơn và chu kỳ sản xuất ngắn hơn thông qua quá trình tạo mẫu nhanh. Các quy trình này sẽ tạo ra ít chất thải, xử lý các hình dạng phức tạp và cải thiện tỷ lệ độ bền trên trọng lượng (SWR). Công nghệ sản xuất bồi đắp có tiềm năng chuyển sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn với dây chuyền và dụng cụ chuyên dụng sang một kỷ nguyên sản xuất thông minh hàng loạt nhưng vẫn có thể tùy biến tạo mẫu. Về chi phí, hiện nay, giá thành sản xuất bồi đắp ra một sản phẩm sẽ cao hơn chi phí gia công CNC truyền thống, trong khi đó tốc độ sản xuất lại chậm hơn ở giai đoạn sau khi tạo mẫu nhanh. (rapid prototyping).
Xem thêm: 7 nguyên tắc trong sản xuất thông minh
Tầm quan trọng của Internet vạn vật trong Sản xuất thông minh và Chuỗi cung ứng
IoT là thành tố quan trọng giúp cấu thành mô hình nhà máy thông minh
Cải thiện dự đoán theo nhu cầu và tăng khả năng hiển thị chuỗi cung ứng
IoT sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng. IoT có thể giúp cải thiện dự đoán nhu cầu của khách hàng thông qua khả năng hiển thị chuỗi cung ứng (supply chain visibility) theo thời gian thực đối với các tín hiệu nhu cầu sản phẩm và dịch vụ. Trong chuỗi cung ứng, việc triển khai IoT có thể tối ưu mức độ sử dụng tài nguyên doanh nghiệp, dịch vụ khách hàng, giảm lãng phí và phát triển bền vững. Giao tiếp thời gian thực giữa máy móc, nhà máy, nhà cung cấp dịch vụ logistic và các nhà cung cấp khác giúp tăng khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng đầu cuối.
Chuyển đổi số chuỗi cung ứng bắt đầu từ nhà máy thông minh
IoT cũng có thể hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm phục vụ bảo hành, đổi trả và dự đoán bảo trì. Những hoạt động này là nền tảng để triển khai xây dựng nhà máy thông minh và chuyển đổi số toàn bộ chuỗi cung ứng. Ở đó, tiền đề thực sự của chuỗi cung ứng ứng dụng IoT đó là ủy quyền việc ra quyết định về một số hoạt động trong vận hành sản xuất cho các hệ thống thông minh, dựa trên những phân tích trong thời gian thực và thuật toán học máy. Đây chính là sự phát triển bậc cao hơn của nhà máy thông minh – xu thế tất yếu của sản xuất 4.0 – nơi máy móc không chỉ kết nối, tương tác hai chiều với con người, mà còn đưa ra những quyết định thay con người trong một số trường hợp nhất định.
*Khả năng hiển thị chuỗi cung ứng (Supply chain visibility): thuật ngữ thể hiện sự cho phép kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối, cho phép thấy rõ toàn cảnh những gì đang xảy ra trong doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí hơn, và cuối cùng là tạo nên một chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn. Thông qua khả năng hiển thị chuỗi cung ứng toàn diện, các doanh nghiệp có thể: Giảm bớt rủi ro, phát hiện và làm rõ tác động của các sự kiện bất thường, Xử lý nhanh chóng các vấn đề có thể xảy ra. Khả năng hiển thị chuỗi cung ứng phải có sự kết hợp và tích hợp giữa các hệ thống thông tin qua các phòng ban và khả năng thu thập, xử lý và phân tích các dữ liệu theo thời gian thực. Khả năng hiển thị chuỗi cung ứng bao gồm 2 thành phần phụ: hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng với công nghệ phù hợp nhằm theo dõi tài sản di động, điện toán đám mây và xử lý dữ liệu.
Sản xuất thông minh sẽ cho phép phát triển những chuỗi cung ứng không theo dự báo
Chuyển đổi số chuỗi cung ứng trước hết cần chuyển đổi từ phương thức định hình nhu cầu khách hàng. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, ứng dụng các phương pháp cải tiến năng suất như Lean (sản xuất tinh gọn), Just-in-time, hay kiểm soát hàng tồn kho dường như là không đủ. Doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng mà còn phải định hình nhu cầu thông qua triển khai công nghệ và các công cụ phân tích hiệu quả.
Trong nền sản xuất tương lai, chuỗi cung ứng cần phải chuyển từ định hướng theo dự báo (forecast driven) sang định hướng theo nhu cầu (demand driven). Về bản chất, các dự báo thường không chính xác. Bạn không thể chỉ đơn thuần học hỏi các mô hình bán hàng trong quá khứ rồi áp dụng vào điều kiện thị trường hiện tại và hy vọng mình sẽ bán được hàng. Cái chúng ta cần là định hình theo nhu cầu với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận, chứ ko đơn giản chỉ là giảm chi phí hay tối đa hóa doanh thu. Cốt lõi của việc định hình nhu cầu là nắm bắt được đối tượng khách hàng nào và sản phẩm nào đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp để thực hiện các chiến dịch quảng bá phù hợp.
Không phải tất cả các đối tượng khách hàng đều có hành vi như nhau. Những thuật toán về dữ liệu có thể trợ giúp doanh nghiệp phân đoạn khách hàng. Công nghệ này sẽ cho biết khách hàng nào có chi phí phục vụ ít nhất và khách hàng nào có khả năng mua sản phẩm có lợi nhuận cao nhất. Các công cụ phân tích dữ liệu lớn hiện nay cung cấp phương thức tích hợp và xâu chuỗi luồng dữ liệu từ hoạt động bán hàng, tiếp thị, hành vi khách hàng, đánh giá sản phẩm, tới các thông tin về đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp trong thời gian thực để biến chuỗi cung ứng định hướng theo nhu cầu trở thành hiện thực.
Dữ liệu lớn cũng giúp thu thập, xử lý các dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc từ những nguồn thông tin trong – ngoài doanh nghiệp. Ngoài ra, nó cũng cho phép nhà sản xuất thực hiện phương pháp “trì hoãn” xây dựng các thành phẩm cuối cùng cho đến một thời điểm thích hợp để đưa vào sản xuất và tung ra thị trường, đáp ứng thực sự nhu cầu của khách hàng
Có thể nói, về mặt chiến lược, sản xuất thông minh là tương lai của ngành sản xuất. Trong vài năm tới, Công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những đột phá trong sản xuất bồi đắp. Còn IoT sẽ thúc đẩy xây dựng các nhà máy thông minh. Trong khi đó, sự liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà phân phối, và người tiêu dùng cuối cùng sẽ biến sản xuất phân tán thành hiện thực. Đây là tiền để để chuỗi cung ứng chuyển đổi số một cách ngoạn mục trong kỷ nguyên 4.0.