Net Zero: Giải pháp then chốt cho tương lai bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, thuật ngữ “Net Zero” đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận toàn cầu. Vậy Net Zero là gì và tại sao lại trở thành mục tiêu chung của các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết!
1. Net Zero là gì?
Net Zero hay Zero Emission (phát thải ròng bằng 0), là mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải nhà kính xuống mức cân bằng với lượng khí thải mà thiên nhiên có thể hấp thụ được. Nói cách khác, đây là thời điểm mà các hoạt động của con người không còn làm tăng nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển.
Mục tiêu Net Zero có thể đạt được thông qua việc giảm phát thải (sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối… thay vì nguyên liệu hóa thạch) và tăng cường các biện pháp hấp thụ carbon như trồng rừng hoặc sử dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon.
“Net Zero là trạng thái cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính được thải ra và lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi khí quyển trong một khoảng thời gian nhất định – Theo định nghĩa của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)”
2. Sự khác nhau giữa Net Zero và Carbon Neutral
Mặc dù Net Zero và Carbon Neutral (Trung hòa Carbon) đều liên quan đến việc giảm thiểu phát thải carbon, nhưng hai khái niệm này vẫn có những điểm khác biệt:
- Khái niệm: Net Zero là trạng thái cân bằng lượng khí nhà kính được thải ra với lượng khí nhà kính được loại bỏ hoặc giảm bớt. Còn Carbon Neutral là trạng thái cân bằng giữa lượng khí carbon (CO2) phát ra và lượng khí carbon được loại bỏ hoặc giảm bớt.
- Loại khí: Net Zero nhắm đến việc cân bằng tất cả các loại khí nhà kính (carbon dioxide, metan, nitơ oxit,…). Trái lại, Carbon Neutral chỉ tập trung vào giảm phát thải khí carbon dioxide (CO2).
- Phạm vi: Net Zero có phạm vi bao phủ rộng hơn, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ. Carbon Neutral thường chỉ tập trung vào việc sản xuất và sử dụng năng lượng sạch.
- Đặc điểm: Net Zero đòi hỏi không phát thải thêm CO2 vào khí quyển, trong khi Carbon Neutral vẫn cho phép phát thải một lượng CO2 nhưng phải khử lượng tương đương.
- Nguồn phát thải liên quan: Nguồn phát thải của Net Zero thường liên quan đến lượng phát thải gián tiếp từ chuỗi giá trị và người tiêu dùng, trong khi Carbon Neutral chủ yếu tập trung vào giảm phát thải trực tiếp từ sản xuất và sử dụng năng lượng.
Dưới đây, chúng tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa Net Zero và Carbon Neutral:
Carbon Neutral: Các nguồn phát thải carbon trực tiếp tại Công ty Ford Motor bao gồm nhiên liệu cho việc vận chuyển các bộ phận và thành phẩm của xe, sản xuất nhiệt điện nội bộ cũng như chôn lấp và đốt chất thải do nhà máy tạo ra… Để giảm phát thải CO2, công ty này quyết định bù đắp hoàn toàn lượng khí thải carbon phát sinh từ quá trình sản xuất bằng cách đầu tư vào các dự án trồng rừng. Điều này có nghĩa là, mặc dù công ty vẫn tiếp tục sản xuất ô tô bằng nhiên liệu hóa thạch và gây ra lượng khí thải nhất định, nhưng họ đã mua các tín chỉ carbon để bù đắp lại lượng khí thải đó.
Net Zero: Để tiến tới Net Zero, Công ty Ford Motor không chỉ cần bù đắp lượng khí thải ra bằng cách tạo ra các bể chứa carbon thông qua việc trồng rừng mà còn phải thực hiện thêm các biện pháp để giảm thiểu lượng khí thải phát sinh như: Sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng… để giảm thiểu lượng khí nhà kính phát ra môi trường.
3. Tại sao thế giới cần đạt mức phát thải ròng bằng 0?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu cần phải được giới hạn ở mức 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp.
Hiện tại, Trái đất đã ấm hơn khoảng 1,1°C so với cuối những năm 1800 và lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng. Để giữ mức nóng lên toàn cầu không quá 1,5°C như đã nêu trong Thỏa thuận chung Paris, lượng khí thải cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mặc dù Net Zero là một thách thức lớn nhưng đây cũng là cơ hội giúp các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu:
- Đổi mới và phát triển công nghệ mới: Quá trình hướng tới Net-zero sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ xanh và bền vững, mở ra cơ hội kinh doanh mới.
- Cải thiện hiệu quả hoạt động và giảm chi phí: Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nhằm hướng tới sản xuất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm phát thải mà còn có thể giảm chi phí hoạt động.
- Nâng cao uy tín thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng: Các doanh nghiệp cam kết Net zero có thể thu hút được sự ủng hộ của khách hàng và nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề môi trường.
- Tuân thủ quy định: Khi các quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ, việc hướng tới Net Zero giúp doanh nghiệp “đi tắt đón đầu” và tránh các rủi ro pháp lý.
Net Zero là mục tiêu dài hạn và “sứ mệnh” của tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp triển khai Net Zero là đang đóng góp vào mục tiêu chung của toàn cầu. Bằng cách cam kết và hành động hướng tới mục tiêu này, các doanh nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ sau.
4. Doanh nghiệp đạt mục tiêu Net Zero bằng cách nào?
Mục tiêu Net Zero có thể đạt được bằng cách thay đổi cách sản xuất và sử dụng năng lượng của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Dưới đây là một số chiến lược khả thi nhất mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để đạt Net Zero:
Tạo ra điện không phát thải
Hạn chế dùng năng lượng hóa thạch và chuyển sang sử dụng các loại năng lượng tái tạo như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, sinh khối là một bước quan trọng để doanh nghiệp giảm tải phát thải. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn năng lượng cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện, tránh tình trạng mất điện gây gián đoạn sản xuất.
Ứng dụng “sản xuất xanh hóa”
Phát triển và áp dụng các quy trình sản xuất mới, sử dụng các vật liệu thay thế có lượng phát thải thấp hơn hoặc chuyển đổi sang hướng sản xuất sản phẩm xanh (các sản phẩm bền vững, có thể tái chế hoặc có tác động tốt cho môi trường) để giảm thiểu phát thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng
Sử dụng năng lượng hiệu quả và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong quy trình sản xuất có thể giúp doanh nghiệp giảm năng lượng tiêu thụ và phát thải carbon ra môi trường. Bằng cách áp dụng các công nghệ thông minh và hệ thống quản lý năng lượng EMS, các lãnh đạo có thể nắm rõ mức tiêu thụ và sử dụng năng lượng (điện, nước…) trong doanh nghiệp, từ đó có các biện pháp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng phù hợp.
Sử dụng phương tiện và thiết bị chạy bằng điện
Thay thế các phương tiện và thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các phiên bản chạy điện (ô tô điện, xe nâng chạy bằng điện, hệ thống sưởi điện…) là một cách hiệu quả để doanh nghiệp giảm phát thải carbon trong quá trình vận chuyển và sản xuất.
Áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên
Một biện pháp khác mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để đạt mục tiêu Net Zero là triển khai trồng rừng, phục hồi các hệ sinh thái và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững nhằm hấp thụ CO2 từ khí quyển một cách tự nhiên.
Loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển
Sử dụng các công nghệ hấp thụ và lưu trữ carbon (CCS) để loại bỏ khí CO2 từ khí quyển và lưu giữ nó an toàn dưới lòng đất. Ngoài ra, phát triển các công nghệ để chuyển đổi CO2 thành các sản phẩm có giá trị cũng là một hướng đi tiềm năng.
5. Chi phí để đạt được Net Zero
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 đòi hỏi mức đầu tư đáng kể và cam kết của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới.
Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Biến đổi Khí hậu:
- Chi phí hàng năm để đạt được Net Zero ước tính sẽ chiếm khoảng 0,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào đầu những năm 2030 và giảm xuống khoảng 0,5% vào năm 2050.
- Đầu tư vào các công nghệ carbon thấp dự kiến sẽ tăng từ khoảng 10 tỷ bảng Anh vào năm 2020 lên 50 tỷ bảng Anh vào năm 2050.
Mặc dù con số này có vẻ lớn, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với những tác động mà biến đổi khí hậu gây ra nếu chúng ta không có hành động thực tế cấp thiết để ngăn chặn.
Hiện nay, tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát thải ròng bằng 0.
- Yêu cầu kiểm kê khí thải nhà kính đối với các doanh nghiệp lớn, nhằm thúc đẩy việc thực hiện cam kết trung hòa Carbon của đất nước (nêu trong Quy hoạch điện VIII)
- Đặt mục tiêu về kiểm soát lượng khí nhà kính phát thải là khoảng từ 204 đến 254 triệu tấn, dự kiến còn từ 27 đến 31 triệu tấn vào năm 2050 (nêu trong kế hoạch phát triển ngành điện đến năm 2030)
- Không tiến hành xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030
- Khích lệ người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện (trong vòng ba năm tính từ ngày 1/3/2022, lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy bằng pin là 0)
- …
Net Zero là mục tiêu chung của toàn thế giới. Việc đạt ngưỡng phát thải ròng bằng 0 không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới mà còn thể hiện trách nhiệm của công ty với cộng đồng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn Net Zero là gì và thấy được vai trò của mình trong công cuộc chung này.