6S trong sản xuất là gì? Cách thức ứng dụng tiêu chuẩn 6S trong nhà máy
6S trong sản xuất là phương pháp quản trị tinh gọn bắt nguồn từ hệ thống sản xuất Toyota giữa những năm 1948 và 1975. Phương pháp này cho phép các công ty Nhật Bản có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn, nhanh hơn với ít lãng phí và tồn kho hơn các đối thủ cạnh tranh. Dù đã được tạo ra từ nhiều thập kỷ trước, nhưng lợi ích của phương pháp này vẫn tồn tại ngay cả trong điều kiện ngày nay. Vậy, cụ thể 6S trong sản xuất là gì? Cách thức ứng dụng 6S trong nhà máy như thế nào?
6S trong sản xuất là gì?
6S trong sản xuất là một chiến lược tinh gọn giúp không gian nhà máy luôn ngăn nắp, sạch sẽ và có tổ chức.
6S được viết tắt của 5S + Safety. Trong đó, tiêu chuẩn 5S được xem là cơ sở của mô hình 6S với các mục tiêu như Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu, Shitsuke (mang ý nghĩa là Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng). Thế nhưng, yếu tố khiến chiến lược 6S trở nên phổ biến và đáp ứng các điều kiện sản xuất phức tạp ngày nay đó là: Safety (An toàn).
Tính năng thiết yếu thứ 6 này tập trung vào việc xác định các mối nguy hiểm và thiết lập các biện pháp kiểm soát phòng ngừa. Điều này cho phép giữ an toàn cho người lao động trong quá trình vận hành công việc cũng như đảm bảo rằng môi trường làm việc luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn bắt buộc.
Tầm quan trọng của yếu tố Safety (An toàn) trong mô hình quản trị tinh gọn 6S trong sản xuất
An toàn luôn là mối ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp và tại mọi khu vực sản xuất. Việc thiết lập sự an toàn bên cạnh môi trường làm việc khoa học, hiệu quả sẽ tác động tích cực tới chính doanh nghiệp, bao gồm:
- Khuyến khích một bầu không khí lành mạnh và giảm căng thẳng, điều này giúp người lao động cảm thấy an toàn và yên tâm. Từ đó gia tăng năng suất tổng thể;
- Giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận ra các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong khu vực sản xuất, chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp;
Thực tế, yếu tố an toàn tác động trực tiếp tới người lao động – nguồn lực chính tạo nên sự thành công của mọi phương pháp quản trị. Nhiều chuyên gia sản xuất người Nhật cũng cho rằng, an toàn đã là một phần không thể thiếu, giúp cho mô hình 5S, mà nay là 6S trở nên phù hợp và hiệu quả hơn. Điều là đặc biệt đúng khi áp dụng 6S cho các ngành mang tính chất công việc rủi ro cao, như xây dựng và hóa chất.
Sự bổ sung của nhân tố an toàn trong mô hình 6S sẽ giúp tổ chức:
- Thận trọng hơn trong việc sử dụng năng lượng, vật liệu và các nguồn tài nguyên khác;
- Tránh tổn thất năng suất do chấn thương và các nguy cơ về sức khỏe nghề nghiệp bằng cách cung cấp các khu vực làm việc sạch sẽ và không có tai nạn;
- Đáp ứng các mục tiêu về hiệu suất môi trường và giảm thiểu chất thải;
Vai trò của 6S trong sản xuất là gì?
- Tiết kiệm chi phí và quản lý chất thải tốt hơn
6S giúp dự đoán và lên lịch bảo trì các công cụ, loại bỏ các vật dụng không sử dụng, sử dụng hiệu quả các thành phần có hạn sử dụng (ví dụ: hóa chất hoặc pin). Ngoài ra, mô hình 6S cho phép giảm những lãng phí phát sinh từ việc tìm kiếm, sắp đặt, vận chuyển, thay thế máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tối ưu chi phí lưu kho, khoảng không, các vật dụng – tài liệu lỗi thời, các vật dụng đã hết giá trị.
- Tăng sản lượng sản xuất
Áp dụng phương pháp 6S, các máy móc, trang thiết bị sẽ được kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng hàng ngày; từ đó nâng cao khả năng phòng ngừa việc hỏng hóc của thiết bị, nâng cao hiệu suất sử dụng của máy móc. Ngoài ra, vấn đề an toàn lao động cũng được chú trọng, giúp gia tăng sản lượng sản xuất.
- Ít tai nạn/tăng an toàn
Khi tuân theo tiêu chí an toàn, các nhà quản lý sẽ hành động để giảm thiểu các mối nguy hiểm ngắn hạn và dài hạn tiềm tàng nỗi lo đe dọa đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. Điều này cho phép người lao động cảm thấy an toàn hơn, dẫn đến cải thiện sự tập trung và giảm căng thẳng môi trường lao động.
Ứng dụng tiêu chuẩn 6S trong sản xuất như thế nào?
Seiri (整理) – Sàng lọc
Tiêu chí đầu tiên – sàng lọc – mang ý nghĩa phân loại, sắp xếp hàng hóa trong khu vực sản xuất dựa trên đối tượng, mục đích và tần suất sử dụng.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ dựa theo kế hoạch sản xuất để xác định các mặt hàng cần được ưu tiên trong sản xuất. Kế đến, tập hợp các công cụ và số lượng nguồn lực lao động cần thiết cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, những đồ đạc hỏng hóc hay máy móc, trang thiết bị không cần thiết đối với khu vực nhà máy cũng sẽ được loại bỏ.
Do đó, nhiệm vụ sàng lọc rất quan trọng khi cho phép doanh nghiệp quản lý sản xuất một cách dễ dàng cũng như tập trung vào mục tiêu kinh doanh chính.
Seiton (整頓) – Sắp xếp
Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp tiến hành sắp xếp hàng hóa, trang thiết bị trong nhà máy một cách tối ưu, thông minh và khoa học thông qua các tiêu chí: dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy cũng như dễ trả lại. Để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, nhân viên nhà máy nên mã hóa các thông tin bằng QR code/RFID và sử dụng các máy đọc mã để đối soát nhanh chóng.
Việc tối ưu không gian nhà máy sẽ giúp cho mọi hoạt động trở nên nhanh chóng hơn. Hiểu đơn giản, doanh nghiệp sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các khâu trên chuyền sản xuất.
Seiso (清掃) – Sạch sẽ
Sự sạch sẽ ở đây được hiểu là thường xuyên vệ sinh, lau chùi cũng như dọn dẹp mọi thứ gây bẩn tại khu vực sản xuất.
Đối với các kho lưu trữ thiết bị hay sản phẩm công nghệ, việc giữ môi trường sạch sẽ làm cho máy móc tránh khỏi bụi bẩn. Điều này gây ra nhiều hỏng hóc hay giảm tuổi thọ của công cụ trên. Còn đối với các kho bảo quản lương thực, thực phẩm, việc để bụi bẩn chắc chắn sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm. Tựu chung sẽ làm ảnh hưởng uy tín và lợi nhuận của chính doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc giữ sạch sẽ môi trường nhà máy phần nào góp phần thể hiện tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, cũng như mức độ coi trọng khách hàng của đơn vị đó.
Seiketsu (清潔) – Săn sóc
Tại giai đoạn này, nhiệm vụ hàng đầu của mọi doanh nghiệp đó là đặt ra những mục tiêu và mong muốn tại khu vực nhà máy. Mỗi đơn vị đều có đặc thù sản xuất khác nhau, do đó, việc thiết lập mục tiêu chắc chắn sẽ có những khác biệt. Doanh nghiệp cần xác định kế hoạch hoạt động chi tiết cho toàn bộ khu vực sản xuất rộng lớn để có thể chủ động hơn trong mọi tình huống.
Shitsuke (躾) – Sẵn sàng
Để tiêu chuẩn 6S phát huy các hiệu quả, đòi hỏi sự kiên trì đi kèm với rất nhiều khó khăn rồi mới đạt được mục đích cuối cùng. Việc thực hiện các tiêu chuẩn 6S không chỉ là nhiệm vụ của mỗi người quản lý mà còn của cả nhân viên nhà máy. Chỉ khi có sự phối hợp cùng với tinh thần làm việc nghiêm túc đến từ mọi thành viên thì các dự án cũng như chiến dịch mới có thể áp dụng thành công.
Safety – An toàn
Với bước an toàn trong quản lý tinh gọn 6S, doanh nghiệp cần tìm kiếm và phát hiện mọi rủi ro gây ra sự mất an toàn trong nhà máy. Sau đó, thiết lập các biện pháp kiểm tra an toàn thường xuyên và các biện pháp phòng ngừa để giữ cho các mối nguy hiểm trong tương lai càng thấp càng tốt.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật hay tiêu chuẩn an toàn quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Tiêu chí đánh giá việc thực hiện tiêu chuẩn 6S trong sản xuất
Tiêu chí | 5 | 4 | 3 | 2 | 1 | 0 |
Sàng lọc | Các vật dụng được giữ lại cần thiết, đầy đủ cho công việc | Vật dụng còn thiếu nhưng không đáng kể | Còn tồn tại một số thứ không cần thiết | Ít lộn xộn và có nhiều vật dụng không cần thiết | Còn lộn xộn, vật dụng không cần thiết đặt khắp nơi | Rất lộn xộn |
Sắp xếp | Các vật dụng được sắp xếp đúng các, gọn gàng, khoa học, có các ký hiệu để phân biệt vị trí, và đánh dấu | Vật dụng sắp xếp tương đối gọn và đúng vị trí, lối thông thoáng | Các vật dụng đã được lưu trữ đúng chỗ | Cơ bản vật dụng được đặt đúng chỗ, song, nhiều vật đặt sai vị trí, gây khó khăn trong tìm kiếm | Các vật dụng cần thiết không có vị trí, lối đi không rõ ràng | Công tác tổ chức sắp xếp tại khu vực sản xuất kém, hàng hóa lộn xộn |
Sạch sẽ | Mọi thứ trong khu vực đều trong tình trạng tuyệt vời, sạch sẽ, không bụi bẩn | Tất cả sạch sẽ và tiện dụng | Hầu hết sạch sẽ và tiện dụng. | Một số vị trí không sạch sẽ | Nhiều vật dụng, khu vực chưa được vệ sinh, cần được làm sạch | Khu vực sản xuất bẩn, ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe |
Săn sóc | Các tiêu chuẩn cho từng khu vực được tuân theo, công tác cải thiện được thực hiện tốt | Các tiêu chuẩn cho các khu vực được tuân theo, các khu vực có thể cải thiện hầu hết đã làm. | Cơ bản tuân theo các tiêu chuẩn và cải thiện các khu vực còn khả năng | Có ít tiêu chuẩn được tuân theo hoặc theo dõi | Rất ít danh sách kiểm tra các tiêu tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết | Không có danh sách kiểm tra, doanh nghiệp không thể tiến hành đánh giá chương trình 6s |
Sẵn sàng | Tất cả hệ thống được lập hồ sơ và theo dõi để duy trì ít nhất trong nửa năm | Duy trì trong ít nhất 90 ngày | Tối thiểu duy trì trong 30 ngày | Duy trì dưới 30 ngày | Hệ thống theo dõi ít ổn định | Không có hệ thống hay cam kết duy trì 6S |
An toàn | Tất cả các thiết bị an toàn đã được kiểm tra và hoạt động tốt. Các khu vực bên ngoài cơ sở được duy trì tốt | Trên 85% các thiết bị an toàn được kiểm tra, các mục tương tự điểm 5 nhưng doanh nghiệp vẫn cần cải tiến | 60% các thiết bị an toàn được kiểm tra, nhân viên được đào tạo bài bản, các tiêu chuẩn tương tự mức 4 điểm | Dưới 50% thiết bị được kiểm tra an toàn, các tiêu chuẩn còn lại thấp hơn điểm 3 | Dưới 30% thiết bị được kiểm tra an toàn, các mục còn lại thấp hơn điểm 2 | Trên 80% các thiết bị không được kiểm tra an toàn, hầu hết các mục còn lại đều tệ |
Áp dụng 6S trong nhà máy của bạn ngay hôm nay!
Qua nhiều năm, phương pháp 6S ngày càng khẳng định tính hiệu quả của mình khi áp dụng tại các nhà máy sản xuất. Song, để áp dụng thành công 6S đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cần thời gian, các nguồn lực mà còn một lộ trình, cách thực thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp của bạn muốn tiến hành nhanh hơn, hãy lựa chọn các giải pháp tự động hóa, cho phép thực hiện phương pháp 6S nhanh chóng, dễ dàng thông qua biểu mẫu trực tuyến, báo cáo kiểm tra hoặc phân công công việc. Việc số hóa các quy trình trên tại nhà máy sẽ giúp tăng cường việc thu thập dữ liệu và cung cấp các bản cập nhật theo thời gian thực cho các nhà quản lý và giám sát.
Doanh nghiệp của bạn có thể bắt đầu với việc liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi qua số hotline: 092.6886.855 để được tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho nhà máy.