Tại sao ứng dụng IoT trong công nghiệp là bài toán sống còn của doanh nghiệp sản xuất
Trong một vài năm trở lại đây, hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất lớn trên thế giới đã ứng dụng và ứng dụng thành công nền tảng IoT trong công nghiệp. Việc này dần trở thành một làn sóng kéo rất nhiều doanh nghiệp khác rục rịch triển khai các dự án IoT cho mình. Nhưng nhiều trong số họ vẫn chưa thực sự hiểu, tại sao IIoT lại cần thiết như vậy cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây hi vọng sẽ giúp làm sáng tỏ những lợi ích to lớn của nền tảng IoT cho các doanh nghiệp sản xuất.
Thuật ngữ nền tảng, hay công nghệ, hay giải pháp IoT trong công nghiệp (IIoT) dùng để chỉ một mô hình mà trong đó, các thiết bị quản trị (máy tính, máy tính bảng, mobile), thiết bị điều hành (plc, work station,…) và thiết bị thực thi (máy móc sản xuất, thiết bị vận chuyển,…) được kết nối thông qua một mạng internet nội bộ duy nhất. Khởi nguồn từ sự ra đời của Bộ điều khiển Logic lập trình (PLC) năm 1968, tính đến nay, IIoT đã có nhiều sự phát triển vượt bậc, và dần ứng dụng phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp. Các chuyên gia nhận định rằng, IIoT đã biến đổi xương sống của các ngành công nghiệp theo hướng chưa từng có bằng cách sử dụng công nghệ để giúp các công ty tối ưu hóa hoạt động, theo dõi và phân tích thiết bị, thực hiện bảo trì dự đoán, hiểu được lượng dữ liệu khổng lồ và giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định chính xác hơn.
Đọc thêm: Mọi điều bạn cần biết về IIoT
Sự cấp thiết phải ứng dụng IoT cho các doanh nghiệp sản xuất
Khả năng thích ứng linh hoạt, sự hiểu biết sâu sắc về các hoạt động vận hành nội bộ và tầm nhìn chiến lược đúng đắn là ba yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bất kì doanh nghiệp sản xuất nào. Các yếu tố kể trên cho phép doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, trong khi vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt. Quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể tăng hiệu suất hoạt động tổng thể từ đó cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng hơn trong thời gian ngắn hơn. Lý thuyết là như vậy nhưng có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan khiến cho doanh nghiệp không thể đạt được 3 yếu tố trên.
Xét về nguyên nhân nội tại doanh nghiệp, hiện nay, nhiều nhà sản xuất ngày nay bị cản trở bởi các hệ thống kinh doanh phức tạp, cứng nhắc, làm chậm quá trình thay đổi, thậm trí cản trở hoạt động. Trên thực tế, hiện nay, 72% nhà sản xuất cho biết đang ứng dụng cùng lúc ba hoặc nhiều hơn ứng dụng riêng biệt để phục vụ công tác quản trị như CRM, HRM, Tài chính kế toán, Thuế,…. Song song với đó, nhà sản xuất vẫn triển khai hệ thống giám sát sản xuất, bảo trì, quản lý chất lượng và hệ thống giám sát năng lượng. Công bằng mà nói, các phần mềm kể trên đều đem lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực mà nó được ứng dụng, tuy nhiên, hiếm khi dữ liệu từ các hệ thống này được hội tụ thành một định dạng tích hợp, có thể sử dụng được để tạo nên bức tranh hoạt động doanh nghiệp tổng thể.
Tình trạng các luồng thông tin trong doanh nghiệp bị phân tán trên các hệ thống khác nhau như đã nói ở trên, không chỉ khiến việc điều hành doanh nghiệp trở nên phức tạp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Cụ thể là, vì dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nên quá trình tổng hợp thông tin rất mất thời gian và dễ nảy sinh sai số. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phản ứng chậm trễ đối với các vấn đề quan trọng trong kinh doanh. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, các công ty mất 20 đến 30% doanh thu mỗi năm do các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành.
Một trong những yếu tố bên ngoài tác động lớn nhất đến sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển ngày càng phức tạp của chuỗi cung ứng. Điều này khiến khoảng cách giữa việc ra quyết định cấp quản trị doanh nghiệp và hệ thống thực thi sản xuất ngày càng xa. Đó là lý do doanh nghiệp cần có nền tảng IoT trong công nghiệp đóng vai trò một hệ thống thông tin đồng nhất, kết nối tầng quản trị với tầng thực thi sản xuất với cấp độ càng chi tiết càng tốt.
IoT trong công nghiệp – Chìa khóa để nâng cao năng xuất
Lợi ích nổi bật của IIoT là mang đến tiềm năng kiểm soát nhiều thiết bị hơn mang lại lượng dữ liệu chính xác hơn và chi phí hợp lý hơn. Công nghệ này giúp thu thập và quản lý khối lượng lớn dữ liệu không chỉ ở một nhà máy sản xuất mà có thể đối với nhiều nhà máy sản xuất phân tán thông qua mạng internet chung. Khi kết hợp với khả năng phân tích, người đứng đầu doanh nghiệp có thể có được thông tin chuyên sâu hơn, cho phép họ tăng hiệu suất sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và thực hiện bảo trì phòng ngừa.
Một lý do nữa khiến các nhà sản xuất cân nhắc nghiêm túc đến việc ứng dụng IIoT là sự phát triển mạnh mẽ của các phần mềm phân tích cùng với giá thành các cảm biến được hạ xuống đáng kể. Công nghệ IIoT là chìa khóa mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cải thiện đáng kể chất lượng và năng suất bằng cách áp dụng IIoT. Ví dụ như, trong nhóm ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cảm ứng giúp thu hẹp khoảng cách giữa công suất nhận thức và công suất thực tế của nhà máy. Bằng cách theo dõi giám sát trực tiếp các dây chuyền vận hành một cách tự động, giải pháp này có thể đo lường hiệu suất thực tế của máy theo thời gian thực với độ chính xác tới 99% chứ không phải về chỉ kiểm soát sản lượng được sản xuất mỗi khi kết thúc dây chuyền.
Kết
Với những phân tích trên đây, doanh nghiệp có thể giải đáp được câu hỏi: Tại sao ứng dụng IoT trong công nghiệp là bài toán sống còn của doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, chỉ tập trung vào ứng dụng IIoT chưa thể đem lại hiệu quả toàn diện. Các nhà sản xuất cần một hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP phù hợp, có khả năng tùy biến theo nhu cầu doanh nghiệp. Đặc biệt quan trọng là khả năng tích hợp và kết nối của ERP với các thiết bị và có khả năng xử lý dữ liệu từ tất cả các nguồn trên một hệ thống duy nhất. Chỉ bằng cách ấy, hiệu suất sản xuất mới có thể để tận dụng các cơ hội mà nền tảng IIoT mang tới.