ITG được mời chia sẻ tham luận tại “Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các viện nghiên cứu, trường đại học năm 2023”
Sáng ngày 17/11/2023, ITG vinh dự là một trong bốn đơn vị được mời trình bày tham luận tại “Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với các viện nghiên cứu, trường đại học năm 2023”.
Chương trình được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội phát triển khoa học công nghệ, tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học của các Viện nghiên cứu Trường đại học trên địa bàn Thành phố để ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Hội nghị năm nay có sự góp mặt của nhiều khách mời đến từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội; các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội cùng các nhà khoa học tới từ Viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố như Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu điện tử tin học tự động hóa,…
Xuyên suốt hội nghị, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi về nhiều đề tài quan trọng như câu chuyện chuyển đổi số trong doanh nghiệp truyền thống, giải pháp về nhà máy thông minh, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,…
Trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia Nguyễn Xuân Hách – Giám đốc điều hành ITG đã mang đến bài tham luận về phương pháp tiếp cận mô hình nhà máy thông minh chuẩn quốc tế – xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp sản xuất trong kỷ nguyên số, và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn thông qua quá trình triển khai dự án nhà máy thông minh cho các đơn vị tại Việt Nam.
“Kỷ nguyên số bùng nổ, nhu cầu người dùng thay đổi, kéo theo sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Nhiều áp lực về giá thành, tồn kho, và đặc biệt là thời gian cung ứng khiến thị trường hình thành những xu hướng sản xuất mới ưu tiên tự động hóa, quản lý thông minh, thiết kế thông minh như “Mass Customization”. Đây chính là lúc mô hình Nhà máy thông minh lên ngôi và trở thành xu thế không thể đảo ngược của ngành công nghiệp” – Ông Hách chia sẻ.
Bài tham luận đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời có mặt tại hội nghị, đặc biệt là nội dung liên quan đến Phương pháp và lộ trình triển khai Nhà máy thông minh để tối ưu các chỉ số S-Q-C-D (Tốc độ – Chất lượng – Chi phí – Tiến độ).
Kết thúc hội nghị, các diễn giả một lần nữa nhấn mạnh lại mức độ cần thiết của chuyển đổi số, cho rằng chuyển đổi số đang tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp. Trong đó, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp, gồm cả phần cứng và phần mềm đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng như trong dài hạn.
Ngoài các tham luận trình bày trực tiếp tại hội nghị, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết đã nhận được gần 150 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số,… Những đề tài, công trình nghiên cứu này là nguồn tài nguyên quan trọng để các doanh nghiệp đặt hàng, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào hoạt động thực tế.