bài Viết

HỆ THỐNG SIÊU THỊ ĐIỆN MÁY TỪ TỪ LỘT XÁC

24/12/2010

sieu thi 1Bắt đầu từ những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, hiện nay hệ thống các siêu thị đã “nối dài cánh tay” của mình tại các tỉnh thành. Không chỉ bành trướng quy mô, đã có những thay đổi về chất trong kinh doanh.

Ngoài những siêu thị tại TP.HCM, các hệ thống siêu thị Chợ Lớn, Best Carings, Viễn Thông A, Thế giới Di động, Bách Khoa đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khác với số lượng các mặt hàng ít hơn so với những siêu thị trung tâm nhưng vẫn thực hiện theo đúng quy trình quản lý chung.

Mô hình cửa hàng trong cửa hàng

Trong ba năm trở lại đây, ngoài việc xây dựng những mặt bằng độc lập, các hệ thống siêu thị kinh doanh hàng điện máy, kỹ thuật số như Viễn Thông A, Thế giới Di động, Chợ Lớn… đã bắt đầu chọn mô hình “shop in shop” (cửa hàng trong cửa hàng) để gia tăng thương hiệu của mình với khách hàng mua sắm. Điểm chọn thường thấy là các hệ thống siêu thị lớn về doanh thu lẫn mặt bằng như Maximark, BigC, Metro… Ông Huỳnh Việt Thương, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Viễn Thông A nói: “Doanh số bán hàng đạt kế hoạch đặt ra”. Hiện nay, Viễn Thông A đã có 19 cửa hàng tại các hệ thống siêu thị như BigC và Co.opmart. Viễn Thông A sẽ tiếp tục có mặt tại siêu thị Lottemart trong tháng 1.2010. Thế giới Di động cũng đã có năm cửa hàng trong hệ thống siêu thị Metro. Theo ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh Thế giới Di động, phát triển mô hình trong các siêu thị sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mặt bằng và nhân viên nhưng doanh số không cao vì chủ yếu cung cấp phụ kiện hoặc những sản phẩm có giá trị thấp.

Chợ Lớn có bốn điểm tại các siêu thị Co.opmart và Maximark. Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh Chợ Lớn cho biết: “Nhờ uy tín về thương hiệu của các siêu thị này mà thương hiệu của chúng tôi cũng được khách hàng biết đến nhiều hơn”.

Ông Huân cho biết, nhà bán lẻ Thế giới Di động đã tìm hiểu chính sách kinh doanh tại các trung tâm thương mại lớn như: Parkson, Diamond Plaza hay Kumho… nhưng các nhà bán lẻ điện thoại di động, điện máy trong nước khó mà chen chân vào đây được vì giá mặt bằng quá cao, cộng vào đó là chính sách chia lợi nhuận theo doanh thu.

Mạnh ở đô thị

Theo giới kinh doanh điện thoại di động, trong năm 2009 các hệ thống siêu thị chiếm tỷ lệ khoảng 25% về số lượng và khoảng 40% về doanh thu. Ông Ngô Nguyên Kha, phó giám đốc công ty P&T Mobile nói: “Mô hình siêu thị chỉ mạnh ở những khu đô thị, còn ở các tỉnh, vẫn là cửa hàng nhỏ. Với nhiều lý do khác nhau như chi phí mặt bằng, công nghệ quản lý… mà thị trường điện thoại di động Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cửa hàng nhỏ”.

Thị trường 4,3 tỉ USD

Năm 2009, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, tổng giá trị của nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin khoảng 4,3 tỉ USD. Nếu bóc tách theo từng nhóm hàng, nhóm hàng điện máy khoảng 2 – 2,2 tỉ USD.

Nhóm siêu thị kinh doanh ngành hàng công nghệ thông tin chưa có tiếng nói quyết định với thị trường. Vì số lượng còn ít và quy mô nhỏ nên doanh thu từ các hệ thống siêu thị chiếm không quá 10%, giám đốc kinh doanh của một hệ thống siêu thị công nghệ thông tin ước đoán.

Với ngành hàng điện máy, vai trò của các siêu thị đã có tác động rõ nét. Ông Đặng Minh Đức, trưởng phòng tiếp thị của Best Carings nói: “Khi mô hình siêu thị phát triển đã làm mặt bằng giá thấp hơn vì có sự cạnh tranh. Nhiều mặt hàng được trưng bày, các chính sách hậu mãi như giao hàng, bảo hành cũng được các siêu thị quan tâm hơn vì đây là những tiêu chí để thu hút khách hàng”. Trong một khảo sát gần đây tại TP.HCM của một tổ chức nghiên cứu thị trường, 97% số hộ đã có tivi (CRT, LCD), 20% số hộ có máy lạnh…, phần lớn những sản phẩm này được mua từ các siêu thị. Tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…, doanh thu của các siêu thị trong năm 2009 chiếm khoảng 30% tổng giá trị ngành hàng, giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy ước lượng.

Một chuyên gia về sản phẩm số, thừa nhận những giá trị mà các siêu thị đem lại cho người tiêu dùng nhưng tính chuyên nghiệp của nhân viên tại các siêu thị điện máy, điện thoại di động chưa cao, hiểu biết về sản phẩm cũng như chính sách bán hàng còn thấp, làm người tiêu dùng chưa yên tâm khi mua hàng.

Chưa phải lo cạnh tranh với nước ngoài

Theo kế hoạch, trong năm 2010, nhà bán lẻ Best Denki (Nhật Bản) và công ty tiếp thị Bến Thành – Carings sẽ tiến tới mô hình liên doanh thay vì hợp tác nhượng quyền như hai năm qua. Nhưng một nguồn tin từ hệ thống Best Carings cho biết, kế hoạch này chưa thể thực hiện được vì khó khăn của cả hai bên.

Thông tin từ các siêu thị điện máy, đã có các nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử đến từ Indonesia, Philippines… tìm hiểu cơ hội hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước. Đã có những cuộc đàm phán chính thức giữa các bên với nhau nhưng chưa có thoả thuận cuối cùng. “Sau khi nghe họ trình bày phương án hợp tác, chúng tôi không thấy hấp dẫn nên ban giám đốc đành nói không thể hợp tác được”, một nguồn tin tiết lộ. Cũng theo nguồn tin này, chỉ ngại các nhà bán lẻ đến từ Nhật, Mỹ, Anh… còn các nhà bán lẻ đến từ các nước trong khu vực “chẳng có gì ghê gớm lắm”.

Thị trường bán lẻ hàng điện máy, công nghệ thông tin, kỹ thuật số vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp trong nước.

(ITGVN – Theo SGTT)

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng

    Tặng bạn ebook









      Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
      Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng