bài Viết

BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN HOÀN THIỆN

28/02/2012

Mục đích của báo cáo thường niên là nhằm giới thiệu cho các nhà đầu tư một cách đầy đủ các hoạt động trọng yếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và nhằm mục đích chính là dự đoán giá cổ phiếu và các yếu tố liên quan như lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp trong tương lai. Bởi vậy việc trình bày báo cáo thường niên cũng như các số liệu tài chính trong quá khứ phải làm sao giúp các nhà đầu tư dễ dự đoán tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của công ty, đặc biệt là EPS tương lai.

Các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu kỳ vọng vào cả cổ tức và sự tăng trưởng trong giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ. Các nhà đầu tư có rủi ro là có thể không nhận được những khoản tiền này. Do vậy các nhà đầu tư sử dụng các báo cáo thường niên để: (1) Dự đoán các khoản lãi kỳ vọng của họ và (2) Đánh giá các rủi ro gắn liền với các khoản tiền lãi này.

1. Những điều có thể làm tốt hơn trong các báo cáo thường niên.
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet các báo cáo thường niên của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng thế giới niêm yết trên các thị trường chứng khoán quốc tế tại Mỹ hay Châu Âu như PG.com của tập đoàn P&G (Mỹ), Unilever.com của tập đoàn Unilever (Hà lan và Anh Quốc). Mặc dù ở Việt Nam đã có một số quy định những điều tối thiểu phải trình bày trên báo cáo thường niên cho các công ty niêm yết. Tuy nhiên các công ty có thể làm được nhiều hơn thế để giới thiệu về mình với các nhà đầu tư. Việc trình bày tốt báo cáo thường niên là một công cụ hữu hiệu để giúp các nhà đầu tư hiểu hơn về công ty mình. Khi nhiều nhà đầu tư biết và đánh giá cao về công ty của bạn, có nghĩa là cổ phiếu của công ty bạn được nhà đầu tư đánh giá cao, do vậy nó có thể ảnh hưởng tốt đến giá cổ phiếu của công ty. Bởi vậy bạn có thể tham chiếu các báo cáo thường niên của các tập đoàn nổi tiếng thế giới cho báo cáo thường niên của mình. Sau đây là một số điểm mà tác giả cho rằng báo cáo thường niên của các công ty Việt Nam có thể làm tốt hơn.

1.1. Giới thiệu chiến lược của công ty: Bạn nên giới thiệu với nhà đầu tư chiến lược dài hạn của công ty mà nó tạo nên sự khác biệt và sự thành công của công ty. Những chiến lược này giúp cho nhà đầu tư có một cái nhìn về khả năng phát triển dài hạn của công ty. Chiến lược của công ty phải gắn liền với các thế mạnh của công ty cũng như trong mối liên hệ với môi trường kinh doanh của công ty. Hiện tại nhiều công ty Việt Nam đã có phần trình bày về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của công ty, tuy nhiên nhiều công ty không có phần trình bày về chiến lược phát triển công ty hoặc trình bày khá sơ sài. Điều này có thể làm cho nhà đầu tư có thể chưa thực sự yên tâm về khả năng phát triển dài hạn của công ty bạn.

1.2. Rủi ro và quản trị rủi ro. Báo cáo thường niên nên trình bày các rủi ro chính mà công ty có thể phải đối mặt trong năm tới (tức năm hiện tại của ngày phát hành báo cáo thường niên) và các hành động mà công ty sẽ sử dụng để hạn chế các rủi ro xảy ra. Trình bày tốt phần này có nghĩa là công ty của bạn đã chuẩn bị rất tốt, đã dự liệu các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai và các biện pháp để ngăn ngừa nó. Điều này giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn những dự báo kết quả và tình hình tài chính của bạn. Ví dụ Unilever đưa ra các dự báo rủi ro cho năm 2010 về kinh tế như sau: Suy giảm kinh doanh trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy giảm, tránh việc sụp đổ của các khách hàng và nhà cung cấp. Do vậy họ: Kiểm soát cẩn thận các chỉ số kinh tế và thường xuyên sử dụng các mô hình ảnh hưởng của các kịch bản kinh tế khác nhau…

1.3. Các số liệu tài chính quan trọng nên trình bày ít nhất là 5 năm liên tục, và nó phải có ý nghĩa so sánh. Để đánh giá đầy đủ về một công ty, các nhà đầu tư cần đánh giá các số liệu của ít nhất là 5 năm gần nhất, được trình bày sao cho thuận tiện nhất cho việc so sánh. Về nguyên tắc bạn nên trình bày càng dài càng tốt từ 10-15 năm như vậy nhà đầu tư càng thấy cả quá trình phát triển của công ty. Báo cáo thường niên 2009 của P&G trình bày 11 năm từ năm 2009 đến năm 1999. Các số liệu tài chính quan trọng có thể bao gồm như: Doanh thu thuần, Lãi kinh doanh, Lãi trước thuế, lãi sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, EPS cơ bản, EPS pha loãng, EPS của các hoạt động tiếp tục, EPS của các hoạt động không tiếp tục, Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, Tổng tài tài sản, tổng công nợ, tổng vốn chủ sở hữu. Rất nhiều báo cáo thường niên hiện chỉ trình bày số liệu có 2 hay 3 năm. Có một số công ty trình bày số liệu tài chính quan trọng 5 năm nhưng các số liệu EPS lại không được điều chỉnh hồi tố khi có các sự kiện chia thưởng cổ phiếu hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi vậy việc so sánh EPS qua các năm là không mấy ý nghĩa hoặc thậm chí là làm sai lệch nghiêm trọng.

1.4. Điều chỉnh EPS hồi tố. Nếu số cổ phiếu phổ thông hay cổ phiếu phổ thông tiềm năng đang lưu hành tăng như là kết quả của việc phát hành cổ phiếu thưởng hay chia tách cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu, việc tính EPS cơ bản và pha loãng cho tất cả các kỳ được trình bày phải được điều chỉnh tương ứng. Hiện nay một số công ty không điều chỉnh EPS, một số khác có điều chỉnh EPS của năm trước, nhưng lại không điều chỉnh trong các phần các chỉ tiêu tài chính quan trọng cho 5 năm, kết quả là các nhà đầu tư có được các thông tin EPS gốc mà nó không có mấy ý nghĩa trong việc so sánh. Ví dụ BCTN của Sacombank ở trang 44 phần các chỉ tiêu tài chính chủ yếu qua các năm, ghi nguyên gốc EPS năm 2009 là 2.771 đ/CP, năm 2008 là 1.869 đ/CP, trong báo cáo kết quả kinh doanh cũng tương tự. Tuy nhiên trong phần thuyết minh số 25 trang 90 thì ghi cả EPS điều chỉnh , khi đó EPS năm 2008 là 1.623 đ/CP (thay vì 1.869). Lẽ ra EPS năm 2008 trong tất cả các báo cáo của năm 2009 phải được trình bày là EPS điều chỉnh (1.623 đ/CP), con số này mới có ý nghĩa cho việc so sánh để thấy được sự tăng trưởng của EPS qua các năm. Tương tự EPS của các năm 2007 đến 2005 trong số liệu tài chính qua các năm đều phải điều chỉnh tương ứng để thấy được sự tăng trưởng của EPS. Việc chỉ trình bày EPS điều chỉnh trong phần thuyết minh các báo cáo tài chính mà không trình bày trên các báo cáo quan trọng như Báo cáo kết quả và phần các chỉ tiêu tài chính quan trọng qua các năm, dễ làm cho các nhà đầu tư hiểu nhầm, vì không phải ai cũng có thời gian đọc phần thuyết minh rất dài của các báo cáo tài chính. Hơn nữa việc phải trình bày EPS điều chỉnh hồi tố là bắt buộc theo quy định của VAS và IFRS (CM báo cáo tài chính quốc tế).

1.5. EPS pha loãng (Diluted EPS). Việc tính EPS trở nên phức tạp khi công ty có các khoản trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền và lựa chọn quyền mua cổ phiếu hay các công cụ tài chính mà nó có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. VAS quy định chưa rõ ràng về EPS “suy giảm” tức pha loãng mặc dù chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 33 “yêu cầu bắt buộc báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty phải trình bày cả hai chỉ tiêu EPS cơ bản và EPS pha loãng trên bề mặt của Báo cáo Kết quả kinh doanh với mức độ nổi bật như nhau”. Nhiều công ty Việt Nam hiện nay vẫn chưa báo cáo EPS pha loãng. Cho các quyết định đầu tư, nhà đầu tư luôn cần phải xem xét cả EPS cơ bản và EPS pha loãng. Trong tình huống mà doanh nghiệp có nhiều trái phiếu chuyển đổi thì EPS pha loãng vô cùng quan trọng nó là một chỉ báo cho EPS của các năm tới chứ không phải là EPS cơ bản. Ví dụ của ngân hàng ACB trong những năm gần đây là một điển hình mà EPS pha loãng là cơ sở chính xác hơn để các nhà đầu tư ước tính EPS của những năm tới.
Chỉ tiêu                          2009         2008
EPS cơ bản (Đ/CP)        3.042       3.563
EPS pha loãng (Đ/CP)     2.751      2.979
Tuy nhiên nhiều công ty không trình bày chỉ tiêu EPS pha loãng. SSI cuối năm 2009 vẫn còn hơn 222 tỷ đ trái phiếu chuyển đổi sẽ chuyển thành 22.222.400 cổ phiếu mà nó sẽ chuyển đổi vào ngày 30.1.2010 để tăng vốn điều lệ từ 1.533 tỷ đ lên 1.755 tỷ đ. Tuy nhiên trong phần báo cáo tài chính của SSI năm 2009 không trình bày chỉ tiêu rất quan trọng đối với các nhà đầu tư là EPS pha loãng. Nếu tính EPS pha loãng của SSI, nó sẽ giảm hơn 10% so với EPS cơ bản do cổ phiếu của SSI bị pha loãng 14%.
1.6. Trình bày Lương và thu nhập của Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Theo quy định của Việt Nam, Lương của TGĐ phải được báo cáo trước đại hội đồng cổ đông. Đó là một chỉ tiêu khá nhạy cảm ở Việt Nam. Rất nhiều công ty không đưa chỉ tiêu này vào báo cáo thường niên hoặc đưa vào số liệu tổng cho cả một nhóm ví dụ như HĐQT, Ban kiểm soát và Ban tổng giám đốc. Cũng có công ty đưa ra con số % lương, thu nhập, thù lao trên tổng số thu nhập như của Vinamilk mà thực chất thì những con số này gần như không có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư. Nếu một công ty trả lương tốt cho Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT mà công ty vẫn có kết quả kinh doanh tốt, thì đó là một công ty tốt. Tuy nhiên nếu một công ty trả lương cho từng cá nhân lãnh đạo công ty rất thấp nhưng công ty có kết quả kinh doanh tốt, điều đó làm các nhà đầu tư thấy bất an bởi tính bền vững của các nhà quản trị này, liệu họ có tiếp tục làm ở đấy nữa hay không? Rủi ro mà nhà quản trị chuyển sang công ty khác có mức thu nhập tốt hơn rất dễ xảy ra.

2. Trình bày các báo cáo tài chính

2.1. Trình bày báo cáo tài chính cho số liệu của 3 năm gần nhất (thay vì chỉ có 2 như hiện nay). Mặc dù chế độ kế toán của Việt Nam chỉ quy định bắt buộc các số liệu của năm hiện tại và năm trước đó. Tuy nhiên để các nhà đầu tư có một cách nhìn tốt hơn về công ty, đa phần các báo cáo tài chính của các công ty trên thị trường chứng khoán quốc tế (Unilever hay P&G) trình bày 3 năm liên tục cho năm hiện tại và 2 năm liền trước đó. Như vậy nhà đầu tư sẽ có các số liệu lịch sử dài hơn để có thể đánh giá về công mà có thể không cần phải tìm hiểu thêm báo cáo của các năm trước đó. Điều này không trái với quy định của chế độ kế toán Việt Nam.

2.2. Các hoạt động không tiếp tục. Các hoạt động không tiếp tục liên quan đến việc đóng cửa hoặc bán một bộ phận của doanh nghiệp. Nếu một công ty cắt bỏ một bộ phận kinh doanh nào đó, nó cần phải báo cáo riêng biệt kết quả kinh doanh của các bộ phận vẫn tiếp tục và các bộ phận không tiếp tục, cả hai đều phải được báo cáo trên báo cáo kết quả kinh doanh hay trong thuyết minh báo cáo tài chính. Để có các báo cáo kết quả kinh doanh có tính so sánh tốt, lãi lỗ của các bộ phận không tiếp tục cần được chỉ ra riêng biệt cho tất cả các năm trong quá khứ mà bộ phận này hoạt động, nếu không tình hình tài chính hiện tại của công ty mà nó không bao gồm các bộ phận đã cắt bỏ, sẽ không thể so sánh được với tình hình tài chính (các số liệu) quá khứ. EPS là một sự tổng hợp quan trọng, nó được báo cáo riêng biệt cho các hoạt động không tiếp tục.

2.3. Báo cáo bộ phận . VAS 28 đã yêu cầu chi tiết về báo cáo các bộ phận, nó giống như IAS 14, tuy nhiên dường như các công ty làm báo cáo bộ phận rất sơ sài chưa đáp ứng được các yêu cầu của VAS cũng như yêu cầu của các nhà đầu tư. Báo cáo bộ phận cần thiết cho việc đánh giá rủi ro và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp có nhiều ngành hàng khác nhau, có cơ sở ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên nhiều khu vực địa lý khác nhau. Báo cáo bộ phận nhằm hỗ trợ người sử dụng báo cáo tài chính: a) Hiểu rõ về tình hình hoạt động các năm trước của doanh nghiệp; b) Đánh giá đúng về những rủi ro và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp; và c) Đưa ra những đánh giá hợp lý hơn về doanh nghiệp.
Ví dụ báo cáo bộ phận của Vinamilk chỉ đưa ra báo cáo kết quả ngắn gọn của bộ phận xuất khấu và bán nội địa. Thiết nghĩ Vinamilk nên báo cáo bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hay ngành hàng cũng như nhìn thấy được sự rủi ro của chúng. Trong báo cáo của Chủ tịch HĐQT Vinamilk đã báo cáo rõ hơn về các bộ phận gồm (1) Nhóm sữa bột và bột dinh dưỡng, (2) Sữa đặc có đường, (3) Sữa tươi và sữa chua uống, (4) Hàng lạnh, thực phẩm và giải khát, (5) Cà phê, (6) Đầu tư tài chính. Nếu báo cáo bộ phận của Vinamilk trình bày theo các ngành này thì nhà đầu tư sẽ dễ dự đoán được tương lai của công ty hơn. Các số liệu báo cáo bộ phận nên trình bày cho 3 năm.

2.4. Báo cáo kết quả theo quý và cả năm. Hoạt động của các doanh nghiệp thường có tính thời vụ, để các nhà đầu tư có một cái nhìn đầy đủ hơn về doanh nghiệp, bạn nên trình bày báo cáo kết quả rút gọn theo từng quý và cho 2 năm.
Hãy xem trích đoạn của báo cáo thường niên của P&G năm 2009, phần Kết quả theo quý (chưa kiểm toán) (đơn vị Triệu USD):
Ngày kết thúc quý                  30.9          31.12           31.3            30.6        Cả năm
Doanh thu thuần 2009            21.582       20.368        18.417        18.662       79.024

2008             19.799      21.038       20.026         20.885       81.748
Những công ty hoạt động có tính thời vụ lớn như ngành bánh kẹo, đồ gỗ, thời trang thì báo cáo năm theo quý đặc biệt có ý nghĩa với các nhà đầu tư.

2.5. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Trong báo cáo thường niên của P&G năm 2009, 3 chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất được làm nổi bật (trang đầu) đó là Doanh thu ròng, EPS và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp có tình hình tài chính, và kết quả kinh doanh bình thường thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là một số dương và nó thường ở mức bằng lãi ròng sau thuế cộng với các khoản chi phí khấu hao và chi phí không phải chi tiền trong kỳ. Nó nói lên rằng cho các hoạt động kinh doanh thông thường, dòng tiền thu về từ bán hàng và dịch vụ đủ bù đắp cho các chi phí kinh doanh thông thường và còn dư ra một khoản để tái đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên do các hướng dẫn của VAS chưa rõ ràng, các khoản phải trả thương mại bao gồm cả các khoản phải trả khác cho mua sắm tài sản dài hạn, hay tài sản tài chính do vậy dòng tiền từ thuần từ hoạt động kinh doanh có thể bị lẫn lộn với các dòng tiền từ các hoạt động đầu tư hay tài chính. Báo cáo thường niên năm 2008 của một công ty đồ gỗ (trong nhóm 10 báo cáo thường niên hay nhất năm 2008) bị lỗi kỹ thuật rất nghiêm trọng này.

2.6. EPS cơ bản: EPS là một chỉ tiêu rất quan trọng của các công ty đại chúng và nhất là các công ty niêm yết. Tuy nhiên do chế độ kế toán của Việt Nam đưa ra cách tính sai rất căn bản (đến này vẫn chưa sửa). Đó là lãi dùng để tính EPS bao gồm cả các khoản quỹ khen thưởng phúc lợi không thuộc cổ đông. Bởi vậy EPS của các công ty bị sai lệnh nhiều ít tùy thuộc vào phần lãi sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi của công ty đó. Rất nhiều công ty trích quỹ khen thưởng phúc lợi từ 5-15% lợi nhuận sau thuế, do vậy EPS của các công ty này cũng bị sai lệch tương ứng tỷ lệ này. Vinamilk năm 2009 trích 10% lãi sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi, nên EPS của Vinamilk bị sai lệch so với số thực là 10%. Cá biệt có công ty trích quỹ này lên tới 30% như Công ty Than Núi Béo.

Để hiểu hơn về việc lập các báo cáo tài chính chuẩn theo VAS và IFRS, bạn có thể tham khảo sách Kế Toán Tài Chính của tác giả Trần Xuân Nam vừa được tái bản 7.2010.

Trần Xuân Nam (Maastricht MBA)

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng

    Tặng bạn ebook









      Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
      Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng